BV08: PHỔ ĐÀ SƠN – HẢI THIÊN PHẬT QUỐC
Phổ Đà Sơn – đạo tràng hoằng pháp của Bồ tát Quán Âm – một trong Tứ đại danh sơn Phật giáo Trung Quốc, hẳn nhiên đã trở thành điểm du lịch tâm linh. Bên bờ biển Đông – từng đợt sóng Triết Giang, mỗi ngày, đã đón rước hàng vạn du khách thập phương đến Phổ Đà Sơn.
Phổ Đà Sơn tên cũ là Tiểu Bạch Hoa, gọi là Bố Đà Lạc Già. Tên khác là Mai Sầm Sơn. Phổ Đà Sơn nằm trong biển Đông Nam, Truyền kỳ gọi là Nam Hải.Đây là nơi đầu tiên Quán Thế Âm Bồ Tát phổ độ chúng sinh. Theo truyền thuyết Trung Quốc, Quán Thế Âm Bồ Tát vốn tên là Diệu Thiện, là con gái thứ ba của Sở Trang Vương thời Xuân Thu, từ nhỏ ăn chay tin Phật, một lòng xuống tóc đi tu, nhưng bị vua cha kiên quyết bác bỏ rồi giết chết. Nhưng Diêm Vương lại làm cho nàng sống lại trên một tòa sen trên chiếchồ cạnh Phổ Đà sơn. Tại đây nàng phổ độ chúng sinh, hành thiện giúp thiên hạ.
Ngọn núi nầy cùng với Nga Mi Sơn của Tứ Xuyên, Ngũ Đài Sơn của Sơn Tây và Cửu Hoa Sơn của An Huy hợp lại xưng là Tứ Đại Danh Sơn của Trung Quốc.
Nổi bật nhất khu đảo là tượng Nam Hải Quan Âm bằng đồng, cao 33m. Ngày 29-9 ÂL, năm 1997, Lễ kiến thành tượng vàng đồng Nam Hải Quan Âm. Lúc sắp làm lễ, trên không trung mây đen dày đặc. Khi Đại lão Hòa thượng Diệu Thiện tuyên bố khai quang tượng Phật, mây tan, vầng dương tỏa chiếu. Các Phật tử chứng kiến việc này đều phát tâm quy ngưỡng, tín phục.
Phía bên trái của tượng Nam Hải Quan Âm là ngôi tự viện đầu tiên trên đảo núi “Viện Quan Âm Bất Khẳng Khứ”, sở dĩ có danh hiệu như vậy là vào năm 824, có vị Thiền sư Huệ Ngạc từ Nhật Bản đến Ngũ Đài Sơn – Sơn Tây học đạo. Lúc sắp về nước, thiền sư liền đến trước mỗi tượng Phật bái biệt. Khi đến lễ tôn tượng Quan Âm, thiền sư quỳ thật lâu không khởi thân. Hòa thượng trụ trì hiểu tâm nguyện của ông, chủ động hiến tặng tượng Quan Âm. Thiền sư hết sức hoan hỷ rước Phật đông độ Nhật Bản, thuyền ngang qua Phổ Đà Sơn, mưa to gió lớn nổi lên, lại có nhiều Thiết Liên Hoa bao vây. Thiền sư ngộ ra, liền thỉnh tượng Quan Âm thờ ngay trước đầu thuyền, quỳ khấn: “Nếu như Quan Âm Đại sĩ không muốn đông độ Phù Tang (Nhật Bản), con tùy tâm nguyện của Ngài, chọn đất nơi đây thờ phượng”. Lời khấn vừa dứt, thuyền rẽ sóng trôi vào bờ, Thiền sư Huệ Ngạc liền chọn nơi này xây thành “Viện Quan Âm Bất Khẳng Khứ” (Viện Quan Âm không chịu đi). Vì vậy, Thiền sư Huệ Ngạc thành vị Tổ sư khai sơn Phổ Đà. Nhiều vị Phật tử hành hương nói vui: “Bồ tát Quan Âm thật là biết cách chọn đạo tràng phong quang tuyệt mỹ như vậy. Ngài không chịu đi để hôm nay, đệ tử chúng con đến cũng không muốn rời”.
Từ viện Quan Âm này, có thể ngồi tọa thiền bên bờ biển, nghe sóng thủy triều. Nhiều du khách hành hương ngồi trong chiếc Đình bên bờ biển hóng gió quên cả trời đã tối, cổng chính của viện đã đóng cửa, mọi người giục chúng tôi ra về. Cửa chùa tuy đã đóng kín, nhưng cửa tâm vẫn còn mở, để âm ba từ bi của sóng tràn vào, để núi trí huệ sừng sững chắn mọi phiền não, để gió hoan hỷ thấm nhuần tâm can…
Câu chuyện về hai chú Rùa đá nghe thuyết pháp còn được truyền miệng đến nay: Lúc đầu, Phổ Đà Sơn chưa có tự viện, ngài Quan Âm chỉ có cách mỗi đêm ngồi trên pháp đài niệm kinh, thuyết pháp. Trong một đêm trăng sao lung linh, chim bay trên trời, thú chạy dưới đất và các thủy tộc dưới biển đều đến mê mải nghe Ngài thuyết pháp. Đông Hải Long vương không hiểu rõ đã xảy ra chuyện gì, phái Thần Quy đến thăm dò. Thần Quy đến cũng mê mải nghe thuyết pháp nên quên lúc quay về, liền hóa thân thành đá thạch. Sau này, các chuyên gia khảo cổ nghi vấn đây chính là hóa thạch từ dưới lòng biển sâu.
Dưới chân núi là ngôi cổ tự Phổ Tế, còn gọi là Tiền Tự (chùa trước). Đây chính là ngôi chùa lớn nhất trên đảo này. Chùa có ba cổng, một cổng chính và hai cổng phụ. Đặc biệt là cổng chính lúc nào cũng đóng kín. Hướng dẫn viên giải thích: “Điều này có liên quan đến Hoàng đế Càn Long. Tương truyền, vua Càn Long rất thích vi hành. Ngày nọ, khi vua đến Giang Nam, du hành Phổ Đà Sơn, vua bị phong cảnh làm mê hoặc đến nỗi quên thời gian, tới chiều tối, Càn Long xuống núi, đến cổng chính chùa Phổ Tế gõ cửa ngủ nhờ qua đêm, tiểu hòa thượng nghe có thí chủ gõ cửa liền ra mở. Càn Long không tiện để lộ thân phận nên chỉ xin vào chùa nghỉ chân, tiểu hòa thượng nói: ‘Cổng chính đã đóng, xin thí chủ đi qua cửa phụ vào chùa’. Càn Long thấy mình đường đường là Hoàng đế đương triều nên bảo: ‘Ông chỉ là chú tiểu, không có quyền quyết định, xin vào chùa bạch với phương trượng là có thí chủ đến, nên mở cổng chính chùa’. Chú tiểu vào bạch với Hòa thượng trụ trì, Hòa thượng dạy: ‘Nước có luật của nước, chùa có pháp của chùa, bảo với thí chủ đi cổng phụ, chỉ trừ Hoàng đế Càn Long đến, cửa chính mới được mở ra tiếp đón’. Chú tiểu vì còn nhỏ, gấp gáp chạy ra cửa, vấp vào ngạch cửa nên nhất thời sân si, đến cửa ngoài gặp Càn Long liền nói: ‘Phương trượng căn dặn dù cho Hoàng đế Càn Long đến, cổng chính chùa vẫn không mở, hà huống chi ông’. Vua Càn Long không cách nào khác đành phải vào cửa phụ. Về đến hoàng triều, Càn Long càng nghĩ càng sân si, hạ chiếu cổng chính chùa Phổ Tế vĩnh viễn không được mở, Trụ trì nghe chiếu xong, hết sức khẩn cầu. Vua Càn Long băn khoăn đến thể diện của mình, cuối cùng hạ lệnh cổng chính chỉ được mở vào ngày Bồ tát Quán Âm đản sinh”. Tục truyền, Bồ tát Quan Âm 60 năm đản sinh một lần nên mỗi 60 năm mới được mở. Năm 1989, cửa chùa đã mở, như vậy lần mở cửa kế tiếp là năm 2049. Đến nay, quốc gia ra quy định chỉ được mở vào các ngày vía Bồ tát, hoặc có các vị quan chức lãnh đạo quốc gia, Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm. Du khách hành hương cũng không chấp nhứt gì đến việc cổng chính của chùa có mở hay không, chen chúc ra vào hai cánh cổng bên hông chùa, không ngớt thắp hương bay mù mịt cả vùng trời.
Trên Phật Đỉnh Sơn có ngôi chùa Huệ Tế. Chùa này là nơi duy nhất thờ tôn tượng của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.
Đi phà qua núi Lạc Già, trên biển cả mênh mông, chung quanh toàn là đảo, trên đảo là núi và những ngôi cổ tự. Bên núi Lạc Già có tượng Quan Âm Niết Bàn, tháp Ngũ Bách La Hán. Thấp thoáng còn có bóng dáng của các Tăng sĩ khoác y vàng. Trên ngọn núi nhỏ này, Tam bảo đã được hình thành từ xa xưa, lúc mà khoa học kỹ thuật còn chưa hiện đại. Phải chăng, tín ngưỡng trong thời đại văn minh đã mất đi tính linh thiêng, mầu nhiệm của nó? Không, thấy các du khách hành hương nườm nượp đổ về Phổ Đà Sơn, đã giúp ta tìm ra câu trả lời. Thời đại văn minh đã không thể làm thỏa mãn đời sống tâm linh của nhân loại, họ đến nơi này không phải để đi tìm vật hữu hình, mà tìm lại cái vô giá vô hình, cái niềm vui, niềm tin yêu từ trong tâm linh, tìm lại sự đồng điệu, sự bao dung giữa nhân loại và cây cỏ trời đất. Khoa học có thể mang đến cho con người cái cảm giác thành tựu nhưng không thể đem đến cho con người cảm giác an toàn, hạnh phúc.