Chùa Liên Phái – đóa sen tuyệt đẹp của kinh thành Thăng Long
Không chỉ đặc sắc về kiến trúc, chùa Liên Phái còn là chốn tổ của phái Liên Tông (dòng hoa sen) một trong những phái thiền của Phật giáo bản địa Việt Nam.
Nằm trong ngõ Liên Phái, phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, chùa Liên Phái là một ngôi chùa cổ có giá trị lịch sử và kiến trúc đặc biệt của kinh thành Thăng Long xưa…
Theo văn bia, chùa được xây dựng thời vua Lê Dụ Tông (1705 – 1729) có tên là Liên Hoa, đến năm 1733, đổi tên là Liên Tông. Năm 1841, vì phải kiêng tên Nguyễn Phúc Miên Tông của vua Thiệu Trị nên chùa đổi tên là Liên Phái.
Ngôi chùa này chính là chốn tổ của phái Liên Tông (dòng hoa sen) – một trong những phái thiền của Phật giáo bản địa Việt Nam – xuất hiện cuối thời Hậu Lê.
Qua các thời kỳ lịch sử, chùa đã được tu bổ nhiều lần, đợt tu bổ lớn nhất là vào năm 1855. Quy mô hiện nay của chùa hầu như không thay đổi gì mấy kể từ lần tu bổ này.
Công trình kiến trúc tiêu biểu của chùa Liên Phái là tháp Diệu Quang nằm phía trước chùa.
Tháp có hình lục lăng cao 10 tầng, quy mô tương đối lớn, được coi là kiến trúc quý hiếm vào bậc nhất trong các ngôi chùa ở Hà Nội.
Phía sau tháp Diệu Quang là nhà bia.
Trong nhà bia có tấm bia ghi lại lịch sử hình thành, các lần tu bổ và tên những người đóng góp công đức tu bổ và xây dựng chùa.
Từ nhà bia đi qua một khoảng sân rộng là khu chùa chính.
Tòa tam bảo có 5 gian, được dựng trên bộ khung bằng gỗ với sáu vì kèo đỡ mái, được làm theo kiểu “chồng rường” và kiểu “quá giang cột trốn”.
Nét nổi bật trong tòa Tam bảo là những cửa võng được sơn son thếp vàng lộng lẫy, chạm trổ công phu, tỉ mỉ bằng kỹ thuật chạm lộng, chạm thủng với các đề tài tứ linh, đan xen hoa lá mang tính nghệ thuật cao.
Ngoài hệ thống tượng Phật, chùa còn có tượng thiền sư Thượng Sĩ Lân Giác – người sáng lập chùa. Cổ vật đáng chú ý là một quả chuông có chữ “Liên Tông tục diện” (nghĩa là Liên Tông kế tục sáng ngời) thời Lê Trung Hưng.
Sau chùa là khu vườn tháp được xây dựng trên một gò đất cao, có 9 ngôi tháp xây thành ba hàng, trong đó có ngôi tháp Cửu Sinh xây bằng đá có niên đại hơn 250 tuổi. Từ năm 1962, chùa đã được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia của Việt Nam.