Losar – Tết cổ truyền của người Tây Tạng

Losar – Tết cổ truyền của người Tây Tạng

Tây Tạng là một trong số những nước sử dụng hệ âm lịch để tính toán thời gian, song song với hệ dương lịch phổ biến hiện nay trên toàn thế giới. Losar là một trong những dịp lễ quan trọng trong Phật giáo Tây Tạng, thường rơi vào tháng Hai hoặc tháng Ba dương lịch hằng năm. Không chỉ ở Tây Tạng mà cả Bhutan và Nepal cũng có ngày lễ tương tự nhưng có hơi khác về thời gian.

Losar hay năm mới của người Tây Tạng được tính bằng ngày mùng 1 (ngày đầu tiên) của tháng đầu tiên trong lịch Tây Tạng, khi mặt trăng bắt đầu quỹ đạo mới quanh Trái đất. Thường thì Losar trùng khớp với Têt Nguyên đán của người Việt và người Trung Quốc, tuy nhiên cũng có năm chênh lệch một vài ngày, hoặc có khi chênh lệch cả tháng.

Người Tây Tạng ở khắp nơi trên thế giới ăn mừng Losar trong vòng ba ngày, bao gồm nhiều hoạt động truyền thống như treo cờ, nhảy múa những điệu vũ dân gian Tây Tạng, tụ tập bạn bè và gia đình, đi chùa cầu nguyện… Losar là dịp để bản sắc văn hóa dân tộc của người Tây Tạng được giới thiệu với bạn bè thế giới.

Nguồn gốc của lễ Losar

Khách du lịch Tây Tạng thường thắc mắc, nguồn gốc của Lễ Lorsar. Lễ Losar thực chất bắt nguồn từ một tôn giáo cổ ở khu vực cao nguyên Thanh – Tạng là Bön. Theo truyền thuyết, vào mùa đông, người dân sẽ tiến hành các nghi thức cúng bái kèm theo lễ vật để làm an lòng thần thánh và cả các vong hồn lẩn khuấn, cầu mong cho mọi sự tốt lành.

Về sau, đây trở thành một dịp để người dân, đặc biệt là nông dân, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội này khi đó được tổ chức vào mùa hoa mơ nở, tức là khoảng tháng Ba. Dần dà, khi âm lịch xuất hiện ở Tây Tạng, lễ hội này trở thành tết Losar. Thu hút rất nhiều khách du lịch đến Tây Tạng để dự tết này.

Người Tây Tạng đón lễ Losar như thế nào?

Tương tự như cách người Việt Nam đón Tết Nguyên đán. Người Tạng bắt đầu rục rịch chuẩn bị cho Losar từ khoảng một tháng trước tết. Nào là trang hoàng, dọn dẹp nhà cửa. Mua sắm may mặc quần áo mới. Người người nhà nhà chuẩn bị những món ăn truyền thống để cúng bái và thưởng thức trong suốt mấy ngày lễ tết. 

Tại các đền chùa, công việc trang trí, quét dọn cũng diễn ra hệt như ở Việt Nam. Các tượng Phật, tượng thần được lau chùi sạch sẽ, bàn thờ cũng được phủi bụi và sắp xếp lại cho gọn gàng. Tây Tạng tuy cách Việt Nam khá xa nhưng nhìn chung cách thức chuẩn bị đón năm mới cũng không khác gì mấy!

Tuy nhiên, thay vì ăn Tết đến mùng Sáu, có nơi là mùng Mười, thậm chí có chỗ… ra Giêng vẫn chưa hết Tết, thì người Tây Tạng đón Losar như sau:

Ngày thứ nhất - Lama Losar

Vào ngày này, các Phật tử sẽ đi viếng chùa, chúc Tết chư tăng, thăm viếng gia đình và họ hàng. Để cầu mong mùa màng bội thu, người ta thường bày hạt lúa mạch và bột lúa mạch tsampa lên bàn thờ gia tiên. Phụ nữ trong nhà thường sẽ phải dậy sớm nấu rượu lúa mạch và món cơm dẻo Dresil để mọi người trong nhà cùng thưởng thức vào ngày Lama Losar này.

Ngày thứ hai - Ghyalpo Losar

Ghyalpo Losar nghĩa là Losar của nhà vua, nhằm mục đích tôn vinh Đạt Lai Lạt Ma – thủ lĩnh tinh thần của người Tây Tạng cùng các lãnh đạo của cộng đồng. Ngày xưa, đây là dịp để các vị vua tặng quà cho dân chúng trong các lễ hội. Trong ngày này sẽ có những màn múa hát, biểu diễn đặc sắc chỉ có duy nhất một lần trong năm.

Ngày thứ ba, cũng là ngày cuối cùng, được gọi là Choe-Kyong Losar

Vào ngày này, người ta tổ chức cúng kiếng cho các chư Phật và thần thánh để cầu mong được phù hộ và bình an. Người dân cũng treo cờ cúng và đi viếng các đền chùa. 

Tưởng rằng sau ba ngày là hết, nhưng… không, sau ba ngày này, người dân Tây Tạng tiếp tục ăn uống và tiệc tùng mừng năm mới đến tận… 12 ngày tiếp theo, tức là tới rằm tháng Giêng.

Năm mới chỉ kết thúc với sự kiện lễ Chunga Choepa hay còn gọi là Lễ hội Đèn Bơ, trong đó người ta sẽ tạo ra những tác phẩm điêu khắc từ bơ sữa bò yak. Đây là một hoạt động mang tính thiêng liêng với người Tây Tạng, và các thầy tu trước khi tham gia phải thực hiện những nghi lễ để thanh tẩy cơ thể. Sau lễ hội, những tác phẩm nghệ thuật này sẽ được đặt ở các tu viện.

Đang xem: Losar – Tết cổ truyền của người Tây Tạng