
Sri Lanka là một đảo quốc nhỏ hình giọt sương nằm giữa Ấn Độ Dương, cách bờ biển phía Nam Ấn Độ khoảng 30km, còn có tên gọi cũ là Ceylon (Tích Lan), là một trong những địa điểm hành hương không thể bỏ qua của các Phật tử do những di tích quan trọng của Phật giáo còn được lưu giữ nơi đây. Phật giáo đã xuất hiện tại Sri Lanka hơn 2.000 năm và theo truyền thuyết, Đức Phật Thích Ca đã từng đến đảo quốc này ba lần.
Sri Lanka hiện ra đầy bí ẩn và quyến rũ, trên bản đồ du lịch thế giới Lonely Planet đã vinh danh đảo quốc này là điểm đến tuyệt vời nhất năm 2013.
Di sản thế giới
Đến với Sri Lanka, lựa chọn đầu tiên của các tour du lịch lẫn dân backpackers (dân du lịch bụi) là khu Tam giác văn hóa: Anuradhapura – Sigiriya – Kandy theo kiểu “chưa đến đây thì chưa biết Sri Lanka”. Đây chính là nơi tập trung một trong những quần thể văn hóa và cổ vật lớn nhất thế giới. Trong số 7 địa điểm của Sri Lanka được đưa vào danh sách Di sản văn hóa được UNESCO công nhận thì đã có đến 5 điểm nằm trong khu Tam giác văn hóa. Đó là Anuradhapura, Polonnaruwa, Sigiriya, Dambulla và Kandy.
Anuradhapura là kinh đô đầu tiên của đất nước Tích Lan được xây dựng từ thế kỷ thứ 4 trước công nguyên và có cội bồ đề 2.000 năm tuổi, được chiết ra từ gốc bồ đề nơi Thái tử Tất Đạt Đa đã ngồi thiền trước khi thành đạo.
Hòn đá Sư Tử (Sigiriya) là phế tích của một cung điện và cổ thành được xây dựng trên một núi đá, hay đúng hơn là một tảng đá bằng phẳng cao 200m nằm trơ trọi trong một khu vực đồng bằng rộng lớn, nhìn từ xa giống như con sư tử đang quỳ và đội cung điện trên lưng. Tương truyền đây là khu vườn và cung điện trên cao của nhà vua Kassapa trị vì Tích Lan trong khoảng thời gian 477-495. Nhà vua vốn là con của một người vợ lẽ, đã giết cha và cướp ngôi từ người anh là Thái tử Moggallana. Có lẽ lo lắng một ngày kia, vị Thái tử đang lưu vong tại Ấn Độ sẽ trở về để dành lại ngôi báu nên nhà vua đã chọn một địa thế vô cùng hiểm trở để xây dựng cung điện.
Thế nhưng, nhân quả tuần hoàn, gần 20 năm sau, Thái tử đã đem quân trở về giành lại ngai vàng, vua Kassapa buộc phải tự sát. Đức vua mới dời đô về lại Anuradhapura. Cung điện trên lưng sư tử từ đó được dùng làm tu viện cho giới tăng lữ. Trải qua năm tháng, cung điện ngày nào dần rơi vào quên lãng và hoang tàn cho đến khi được các nhà thám hiểm người Anh tìm ra vào năm 1907.
Sigiriya là một trong những biểu tượng của ngành du lịch Sri Lanka và luôn chật ních khách du lịch xếp hàng trên những cầu thang gỗ cheo leo để lên đến cung điện trên không.
Một trong những di tích quan trọng nhất của triều đại vua Kassapa là các bức bích họa trên vách đá vẽ nhưng cô gái xinh đẹp, phục sức cầu kỳ, ngực để trần căng tròn, hai tay đang dâng hoa sen hay lễ vật. Có người nói họ là những sủng phi của hoàng đế năm xưa nhưng cũng có giả thuyết cho rằng đó là tranh tôn giáo vẽ các thiện nữ đang dâng lễ vật. Các bức họa trải qua bao năm tháng vẫn còn nguyên màu sắc tươi tắn sống động như một lời kể với hậu thế về nền văn minh của Tích Lan cổ đại.
Một di tích đáng chú ý khác là một hồ nước diện tích 27x21m được đục từ đá liền khối, tương truyền là hồ bơi chống nóng của vua Kapassa. Hóa ra mấy cái penhouse có hồ bơi trên tầng thượng cao ốc của các đại gia bây giờ cũng chỉ là bắt chước người xưa.
Những di tích còn lại của Cung điện Sư Tử không mấy đặc sắc do đã bị phá hủy phần lớn nên khó mà tưởng tượng ra vào thời kỳ huy hoàng thì nó sẽ như thế nào. Thế nhưng, từ trên đỉnh núi ngắm nhìn núi rừng xanh thẳm trùng trùng điệp điệp bao quanh lâu đài sẽ khiến bạn không tiếc công đã bỏ ra để lên đến đây. Một bức tượng Phật bằng đá trắng cao lớn trên đỉnh núi đối diện, nổi bật lên giữa màu xanh của núi rừng, tạo cảm giác Đức Phật đang hóa độ chúng sinh.
Rời Sigiriya, đoàn sẽ ghé thăm chùa Hang Dambulla (Cave Temple), cách Sigiriya 20km. Đây là ngôi chùa nằm trong hang động lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất Sri Lanka. Các di tích khảo cổ cho thấy nơi đây từng là nơi lưu vong của vị vua Valagamba trong 14 năm tránh kẻ thù của mình. Ông được che giấu bởi các tu sĩ Phật giáo và sau khi trở lại ngai vàng vào khoảng đầu thế kỷ thứ 1, ông đã cho khởi công xây dựng ngôi chùa trong hang đá này để cảm tạ sự che chở của các tu sĩ và ghi nhớ những ngày “nằm gai nếm mật” của mình. Khu đền chính trải ra trong 5 hang động có diện tích gần 2.000m2, mỗi hang động đều chứa các bức tượng Phật mạ vàng cao đến hơn 15m và những bức họa phủ kín các vách đá kể lại câu chuyện về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca.
Người dân Sri Lanka đến lễ Phật cởi bỏ giày dép ngay từ dưới chân núi và chân trần leo núi để thể hiện lòng thành. Nền đá sân chùa nóng rẫy và nhộn nhịp khách hành hương tương phản với không khí mát lạnh, yên tĩnh bên trong hang. Phật tử Sri Lanka không thắp nhang, đội sớ hay khấn vái sì sụp khi lễ Phật mà chỉ yên lặng quỳ gối trên nền đá lạnh và dâng lên Đấng Giác Ngộ những đóa hoa súng tượng trưng cho lòng mộ đạo thuần khiết. Khách phương xa như tôi chợt thấy lòng mình thanh thản khi bước vào chốn này.
Polonaruwa, kinh đô của đất nước Tích Lan từ thế kỷ 11. Sau khi Vua Vijayabahu I lật đổ triều đại Chola vào năm 1070, ông đã đặt kinh đô của vương quốc mới ở Polonaruwa và bắt đầu kiến tạo thành phố này. Thành phố phát triển đến mức cực thịnh vào triều đại Pakakramapuha (1153-1186). Nhà vua phóng tay cho xây các đền chùa, dinh thự khổng lồ và đào một hồ chứa nước rộng tới 2.400ha (mà ngày nay vẫn còn) được gọi là biển Parakrama.
Một trong những công trình tiêu biểu của thành phố là quần thể tượng Phật bằng đá trong đó nổi tiếng nhất là bức tượng Đức Phật Nhập Niết Bàn, dài gần 14m với những chi tiết điêu khắc tinh tế, kế bên là tượng một nhà sư (có thể là A Nan Đà) cao 7m đứng khoang tay như canh giữ giấc ngủ cuối cùng cho Ngài. Trải qua hơn 10 thế kỷ chiến tranh, loạn lạc, nhiều lâu đài thành quách của Polonnaruwa chỉ còn là đống gạch xưa nhưng những bức tượng Phật này được bảo tồn gần như nguyên vẹn, đủ cho thấy lòng sùng kính của người dân Sri Lanka đối với Đạo Phật.