Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya)
Nơi Đức Thích Ca Mâu Ni thành đạo
Bồ Đề Đạo Tràng (BODHGAYA) là một trong bốn Thánh tích của Phật giáo. Đây là nơi Thái tử Tất Đạt Đa đã ngồi thiền định dưới cây Bồ đề, giác ngộ và chứng được đạo Chính đẳng chính giác. (Ba Thánh tích còn lại là vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) – nơi Đức Phật đản sinh, vườn Lộc Uyển (Sarnath) – nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên và Câu Thi Na (Kusinara) – nơi Đức Phật nhập Niết Bàn.

Sau sáu năm hành tu khổ hạnh mà không đạt được giải thoát, Đức Phật, khi đó còn chưa thành đạo đã quyết định từ bỏ con đường khổ hạnh hành xác mà thực hành trung đạo. Ngài liền đi đến Giác Thành (Senani), sau khi xuống sông tắm rửa và thọ nhận bát sữa tươi cúng dường của người con gái dòng Bà la môn, Sujata, ngài liền đi tới gốc cây Bồ đề, ngồi quay mặt về hướng Đông, thiền định và thệ nguyện rằng nếu như không Giác ngộ thì sẽ không rời khỏi chỗ này. Sau bốn mươi chín ngày thiền định, vượt qua mọi sự quấy nhiễu của Ma vương, ngài đã chứng được đạo Vô thượng, giải thoát hoàn toàn, trở thành bậc Thế-tôn Thích Ca Mâu Ni Phật.
Bồ Đề Đạo Tràng ở phía nam Thành phố Gaya thuộc bang Bihar ngày nay chính là Thánh tích nơi có cây Bồ đề vi diệu mà Đức Phật đã ngồi thiền và thành đạo.
Bồ Đề Đạo Tràng được xây dựng vào khoảng 300 năm trước công nguyên, với diện tích 30,000 mét vuông, bao gồm nhiều Thánh tích Phật giáo quan trọng như Tháp Đại Giác, cây Bồ Đề, tòa Kim Cương, bảy địa điểm Đức Phật đã ngồi suy tưởng trong bảy tuần đầu sau khi thành đạo và quần thể các tòa tháp cổ.
Tháp Đại Giác nằm giữa khu đất trũng thấp hơn mặt đường khoảng mười mét vì vậy từ xa ta vẫn thấy được ngọn tháp đứng sừng sững vươn lên giữa những cây cổ thụ, tượng trưng cho sự giác ngộ của Đức Phật tại cõi đời như hoa sen trong bùn vươn lên thoát khỏi bùn nhơ. Tòa tháp này được Vua A-Dục xây dựng vào khoảng 250 năm sau khi đức Phật nhập Niết-bàn nhằm để tưởng niệm nơi thành đạo của Đức Phật Thích Ca.